Kinh nghiệm giảng dạy môn học giáo dục quốc phòng và an ninh các cấp THPT
Cập nhật: 24/5/2018 | 3:50:08 PM
Môn học GDQPAN có lý luận cơ bản, nhưng đòi hỏi có kỹ năng quân sự an ninh cần thiết. Trong quá trình học tập, người học vừa được trang bị kiến thức lý thuyết, vừa được rèn luyện kỹ năng thực hành.
Giáo dục quốc phòng và an ninh là môn học đặc thù
Giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQPAN) cho học sinh, sinh viên Việt Nam mục tiêu là chuẩn bị cho học sinh, sinh viên hoàn thiện về tinh thần và thể chất, tự giác tham gia và thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh, đất nước ổn định phát triển kinh tế, xã hội. Là quá trình truyền thụ lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc và lĩnh hội đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về quốc phòng và an ninh; những hiểu biết, kiến thức, kỹ năng về quân sự, an ninh cho học sinh, sinh viên đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình mới.
Môn học GDQPAN có lý luận cơ bản, nhưng đòi hỏi có kỹ năng quân sự an ninh cần thiết. Trong quá trình học tập, người học vừa được trang bị kiến thức lý thuyết, vừa được rèn luyện kỹ năng thực hành. Phương pháp dạy học môn GDQPAN sử dụng phương pháp tích hợp, kết hợp cả giảng dạy lý thuyết thực hành có vũ khí trang bị, sơ đồ, bản đồ, mô hình học cụ, la bàn…; trang bị cho người học tiếp thu những kiến thức, kỹ năng và các sản phẩm cần thiết cho hoạt động quân sự.
Giáo dục quốc phòng và an ninh là môn học đặc thù bởi trong quá trình học, đặc biệt trong nội dung thực hành mọi hành động của giáo viên và học sinh phải tuyệt đối thực hiện quy tắc an toàn, nếu không nguy hiểm đến tính mạng của của thầy và trò. Do đó phương pháp giảng dạy môn học GDQPAN cũng đặc thù. Ngoài phương pháp giảng giải, giảng thuật, giảng diễn, phương pháp đàm thoại, phương pháp sử dụng sách và tài liệu còn yêu cầu có thao trường, bài tập,có binh khí kèm theo do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an quản lý.
Các phương pháp đặc thù của môn học:
1. Phương pháp trực quan: là phương pháp sử dụng các phương tiện trực quan ở các dạng khác để minh họa, cụ thể hóa nội dung dạy học. Tính đặc thù:
+ Các phương tiện trực quan tạo ra “điểm tựa” thị giác cho người học làm cho nội dung học trở nên “gần gũi hơn”.
+ Kết hợp tốt với “thị giác” trực tiếp qua lời giảng.
2. Phương pháp làm mẫu: là phương pháp dùng động tác mẫu để tạo hình ảnh trực quan và biểu tượng cụ thể với đối tượng học tập. Tính đặc thù:
+ Giáo viên có thể tự làm động tác mẫu hoặc sử dụng các đội mẫu.
+ Người làm mẫu phải thuần thục động tác.
3. Phương pháp quan sát: là phương pháp dùng các giác quan kết hợp với phương tiện, tri giác với hiện tượng. Tính đặc thù của phương pháp này là quan sát học sinh luyện tập để biết điểm học sinh tập sai và kịp thời sửa tập.
4. Các phương pháp dạy học thực hành:
4.1 Phương pháp luyện tập: là quá trình lặp đi lặp lại nhiều lần các thao tác, hành động theo một quy trình kỹ năng, một cách có ý thức, nhằm thuần thục động tác. Tính đặc thù:
- Luyện tập có 3 mức độ: tái hiện, vận dụng, sáng tạo.
- Chia 3 giai đoạn: bắt đầu, cơ bản, hoàn thiện.
- Theo 3 bước:
+ Bước 1: làm nhanh khái quát động tác
+ Bước 2: làm chậm, vừa phân tích động tác
+ Bước 3: làm tổng hợp, có phân chia cử động
4.2 Phương pháp thực hành có sử dụng vũ khí: là phương pháp trực tiếp tiến hành các thao tác động tác có sử dụng các loại vũ khí và phương tiện chiến đấu.
- Tính đặc thù: người học phải nắm vững quy trình, quy tắc tiến hành các quy định bảo đảm an toàn cho người tập và vũ khí trang bị.
5. Các phương pháp kích thích hoạt động nhận thức:
5.1 Phương pháp khởi động trí tuệ: là phương pháp sử dụng các cách thức kích thích, tư duy người học ở thời điểm đầu buổi học, nhằm tạo ra tâm thế sẵn sàng học tập tốt. Tính đặc thù:
- Nêu lên tính cấp thiết, tầm quan trọng của vấn đề học tập trong lí luận, đời sống, hoạt động quân sự, quốc phòng và an ninh.
- Khích lệ người học, lôi cuốn chú ý, khơi dậy hứng thú, kích thích tính linh hoạt.
5.2 Thảo luận nhóm tranh luận các vấn đề học tập: là phương pháp tạo ra tình huống học tập với những kiến thức khác nhau trong giải quyết vấn đề kỹ thuật và chiến thuật, tranh luận vấn đề đi tới giải pháp hoàn thiện nhất một cách tích cực, sáng tạo. Tính đặc thù phương pháp này:
- Khích lệ ý tưởng mới, cách giải quyết tình huống kỹ thuật, chiến thuật học tập một cách độc lập sáng tạo, hướng tranh luận vào vấn đề trọng tâm và kết luận theo mục tiêu bài học.
5.3 Phương pháp đóng vai: phương pháp này mang tính tích cực, trong đó người dạy tái tạo, mô hình hóa các hành động đặc trưng của hoạt động của đối phương, tổ chức cho người học sắm vai hành động của địch để thực hiện những thao tác phù hợp đối phó, tạo thành kỹ năng hoạt động học cho học sinh…Đặc thù phương pháp này:
- Giáo viên điều khiển các tình huống đóng vai, người sắm vai thể hiện các thao tác, hành vi…
- Giáo viên và học sinh xử lý các giải pháp hóa giải để chiến thắng địch.
6. Các phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học tập:
Là cách thức, biện pháp xem xét thực trạng kết quả nhận thức của người học. trong đó có các loại kiểm tra:
- Kiểm tra vấn đáp.
- Kiểm tra viết (đặc biệt chú trọng)
- Kiểm tra thực hành: là cách thức xem xét và đánh giá các kỹ năng, kỹ xảo đạt được của người học thông qua việc giao cho họ thực hiện thao tác, hành động theo bài tập được giáo viên chuẩn bị trước để đánh giá trình độ đạt được.
- Ngoài các dạng trên còn một số các phương pháp kiểm tra khác:
+ Trắc nghiệm khách quan
+ Dạng câu điền khuyết
+ Dạng câu lựa chọn đúng, sai
+ Dạng câu lựa chọn cặp đôi
Tóm lại, trên đây là một số phương pháp đặc thù của bộ môn, nhằm kích thích hoạt động nhận thức của học sinh trong các buổi học. Trong thực tế, các phương pháp đẩy mạnh hoạt động nhận thức của học sinh rất đa dạng, cần tiếp tục có sự khái quát, vận dụng chúng phù hợp mục tiêu, nội dung và đặc điểm dạy học GDQPAN.
Cách thức thực hiện chương trình Giáo dục quốc phòng và an ninh trong trường THPT
Môn học GDQPAN nếu học tập trung vào đầu năm học (cả lý thuyết và thực hành) thì chất lượng tốt hơn và có lợi cho việc quản lý kỷ luật của cơ sở đào tạo. Thời gian còn lại giáo viên GDQPAN sẽ làm những việc sau đây để tận dụng được thời gian và nâng cao chất lượng môn học khi thực hiện xong chương trình.
Cán bộ quản lý, giáo viên sẽ thực hiện theo sự phân công của Sở GD&ĐT và Ban Giám hiệu nhà trường. Cụ thể như sau:
1. Đối với cán bộ quản lý:
- Tham mưu cho Sở lập kế hoạch tổ chức cho giáo viên tập huấn nội dung QP-AN mới trong năm.
- Thành lập Hội đồng bộ môn GDQPAN, tổ chức giảng dạy các chuyên đề bài giảng còn yếu, cần hoàn thiện trong nội dung chương trình, rút kinh nghiệm để bài giảng ngày một hoàn chỉnh hơn.
- Tổ chức các cuộc thi chuyên môn: viết sáng kiến kinh nghiệm, làm đồ dùng dạy học, soạn giảng E-learning, nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng, viết sáng kiến cải tiến… các nội dung QP-AN.
- Tổ chức cho giáo viên tham gia học tập nghiên cứu, tham quan học tập kinh nghiệm, các di tích lịch sử, các đơn vị điển hình, phối hợp với các cơ quan Quân sự, Công an địa phương bắn đạn thật mỗi năm ít nhất một lần.
- Phối hợp với các trường THPT để kiểm tra kho, công tác bảo quản và sử dụng vũ khí, thiết bị dạy học môn GDQPAN, lên kế hoạch giảng dạy cho đơn vị thiếu giáo viên.
2. Đối với giáo viên giảng dạy:
- Tạo điều kiện học tập để chuẩn hóa trình độ để giảng dạy GDQPAN.
- Tham gia các lớp tập huấn do Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT tổ chức để nâng cao trình độ chuyên môn, nắm bắt những thông tin mới, làm tài liệu cho giáo trình giảng dạy.
- Tham gia các tiết dạy chuyên đề do Sở GD&ĐT tổ chức (tiết dạy Hội đồng bộ môn) và đóng góp ý kiến, rút kinh nghiệm để chuyên đề hoàn thiện hơn.
- Tham gia viết sáng kiến kinh nghiệm, làm đồ dùng dạy học, nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng, chủ đề dạy học tích hợp liên môn, bài giảng E-learning…để đi sâu nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn, bổ sung thêm đồ dùng, tư liệu dạy học…
- Tham gia giảng dạy cho các cơ sở còn thiếu giáo viên theo sự điều động của Sở.
- Tham mưu với nhà trường xây dựng kế hoạch cắm trại, kết hợp hoạt động GDQPAN ở chương trình GDQPAN lớp 12.
- Tham mưu với Hiệu trưởng nhà trường, tổ chức cho học sinh tham quan học tập ở một đơn vị quân đội, các di tích lịch sử để các em học sinh được trải nghiệm thực tế, hình dung được cách thức tổ chức, cuộc sống trong quân đội, giúp các em làm quen trong môi trường quân đội, tạo niềm tin cho các em học tập môn GDQPAN sẽ tốt hơn.
(Nguồn Tin: Sưu Tầm)
- Tìm kiếm
- Giúp học sinh hứng thú với môn công nghệ
- Môn công nghệ chậm đổi mới
- Giới thiệu về môn Công Nghệ
- Môn Công nghệ: Góp phần thúc đẩy giáo dục STEM ở phổ thông
- Tin học sẽ là môn "bắt buộc, có phân hoá"
- 8 điều khác biệt lớn của môn Tin học trong chương trình mới
- Suy Nghĩ về việc dạy Tin học
- Tóm tắt dự thảo chương trình môn Tin học