Mục tiêu của môn Giáo dục công dân
Cập nhật: 24/5/2018 | 3:43:11 PM
BP - Bộ GD-ĐT vừa công bố toàn văn Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông để lấy ý kiến đóng góp của các cấp, các ngành và nhân dân trong cả nước.
Dự kiến chương trình này sẽ được thông qua vào tháng 4-2018. Điều đáng chú ý trong chương trình này là các môn học liên quan đến kinh tế, đặc biệt là pháp luật được đưa vào môn Giáo dục công dân để nhận biết cơ bản về quyền và nghĩa vụ công dân cũng như hệ thống chính trị và pháp luật Việt Nam. Ở bậc tiểu học, môn Giáo dục công dân được gọi là môn Đạo đức, ở bậc THCS là môn Giáo dục công dân và ở bậc THPT là môn Giáo dục kinh tế và pháp luật. Sau đây, xin giới thiệu cùng bạn đọc về mục tiêu của môn học này ở từng cấp học như sau:
VỀ MỤC TIÊU CHUNG
Giúp học sinh hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm. Những phẩm chất đạo đức này được hình thành, phát triển gắn liền với quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của người công dân Việt Nam. Đồng thời, giúp học sinh hình thành, phát triển các năng lực của người công dân Việt Nam đáp ứng nhu cầu phát triển của cá nhân và cộng đồng xã hội theo yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp mới, đặc biệt là yêu cầu của sự nghiệp xây dựng nhà nước pháp quyền và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đó là: năng lực phát triển bản thân; năng lực điều chỉnh hành vi đạo đức, năng lực điều chỉnh hành vi pháp luật; năng lực giải quyết vấn đề về kinh tế. Trên cơ sở đó, chương trình môn Giáo dục công dân góp phần giúp học sinh hình thành, phát triển các năng lực chung như: năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo.
MỤC TIÊU MÔN ĐẠO ĐỨC Ở TIỂU HỌC
Giúp học sinh hình thành và phát triển cảm xúc tích cực, ý thức đúng đắn về những chuẩn mực hành vi đạo đức trong quan hệ với chính bản thân, với gia đình, quê hương, cộng đồng, với công việc và môi trường xung quanh; thái độ tự trọng, tự tin vào khả năng của bản thân; tình yêu quê hương, gia đình, lòng yêu thương, tôn trọng con người; đức tính trung thực, chăm học, chăm làm; ý thức trách nhiệm với hành vi, hành động của mình; sự đồng tình với cái thiện, cái đúng, cái tốt, không đồng tình với cái ác, cái sai, cái xấu.
Giúp học sinh có được cách cư xử phù hợp với bản thân, với gia đình, quê hương, cộng đồng, với công việc và môi trường tự nhiên; những thói quen, nền nếp cơ bản, cần thiết trong học tập và sinh hoạt phù hợp với giá trị văn hóa, chuẩn mực đạo đức, quy tắc của cộng đồng, quy định của pháp luật, quy luật của tự nhiên và xã hội.
MỤC TIÊU ĐỐI VỚI BẬC THCS
Giúp học sinh có ý thức tự điều chỉnh, tự hoàn thiện bản thân theo các chuẩn mực đạo đức và quy định của pháp luật dựa trên nhận thức, thái độ và hành vi đúng đắn, tích cực về quyền, bổn phận, nghĩa vụ và trách nhiệm công dân trong quan hệ với gia đình, xã hội, với công việc, với môi trường thiên nhiên, với đất nước và nhân loại.
Giúp học sinh củng cố, nâng cao các năng lực đã được hình thành, phát triển ở tiểu học; hình thành, duy trì mối quan hệ hòa hợp với những người xung quanh; thích ứng một cách linh hoạt với xã hội biến đổi và thực hiện mục tiêu, kế hoạch của bản thân trên cơ sở các giá trị đạo đức, quy định của pháp luật; hình thành phương pháp học tập, rèn luyện, hoàn chỉnh tri thức và kỹ năng nền tảng để tiếp tục học lên THPT, học nghề hoặc tham gia vào cuộc sống lao động.
MỤC TIÊU MÔN GIÁO DỤC KINH TẾ VÀ PHÁP LUẬT Ở THPT
Giúp học sinh có được tình cảm, nhận thức, niềm tin và bản lĩnh phù hợp với chuẩn mực đạo đức và quy định của pháp luật dựa trên những kiến thức cơ bản, cốt lõi, thiết thực đối với đời sống và định hướng nghề nghiệp sau THPT về kinh tế và pháp luật.
Giúp học sinh có được năng lực thực hiện các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm công dân chủ yếu từ góc độ kinh tế, pháp luật; có kỹ năng sống và bản lĩnh để học tập, làm việc và sẵn sàng thực hiện trách nhiệm công dân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam và hội nhập quốc tế.
(Nguồn Tin: Sưu Tầm)
- Tìm kiếm
- Giúp học sinh hứng thú với môn công nghệ
- Môn công nghệ chậm đổi mới
- Giới thiệu về môn Công Nghệ
- Môn Công nghệ: Góp phần thúc đẩy giáo dục STEM ở phổ thông
- Tin học sẽ là môn "bắt buộc, có phân hoá"
- 8 điều khác biệt lớn của môn Tin học trong chương trình mới
- Suy Nghĩ về việc dạy Tin học
- Tóm tắt dự thảo chương trình môn Tin học